Nôn trớ là hiện tượng sinh lý bình thường ở trẻ trong độ tuổi từ 0-12 tháng. Tuy nhiên, nếu như trẻ bị nôn trớ nhiều lần trong ngày cha mẹ không nên chủ quan, bởi đây có thể là biểu hiện vấn đề về đường tiêu hóa.
Tóm tắt nội dung
1. Trẻ em bị nôn trớ nhiều lần trong ngày là do đâu?
1. Do hệ tiêu hóa chưa phát triển
Hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh chưa được phát triển hoàn thiện và dạ dày nằm ngang và chưa có độ cong như người trưởng thành. Đó là nguyên nhân khiến cho trẻ em dễ gặp phải tình trạng bị nôn trớ, nhất là khi trẻ nằm sai tư thế, ăn quá no hoặc trẻ hay vặn mình hoặc khi bé nằm chơi…
Đây là một biểu hiện sinh lý bình thường. Nếu không có những biểu hiện gì bất thường mà vẫn khỏe mạnh thì thường trẻ sau 6 tháng tuổi sẽ tự hết.
2. Khi bé ăn quá no hoặc khi bú
Theo chia sẻ của dược sĩ Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, với trẻ sơ sinh thì mỗi lần ăn dạ dày của bé chỉ chứa được 7-13ml; trẻ 3-6 ngày tuổi có thể chứa được 30-60ml/lần ăn. Khi trẻ được 1 tháng tuổi trở đi sẽ chứa được 80-150ml/lần ăn và trẻ trong độ từ 6-12 tháng sẽ chứa được 200-250ml/lần ăn. Trường hợp mẹ cho bé ăn quá no, vượt mức cho phép của dạ dày thì sẽ khiến cho các bé bị nôn trớ.
Bởi vậy, để cải thiện tình trạng này các mẹ hãy chia nhỏ thành nhiều bữa ăn nhỏ cho bé, không nên để bé ăn quá no trong 1 cữ ăn.
3. Do bệnh lý đường ruột
Một nguyên nhân mà trẻ hay bị nôn trớ là do bệnh lý đường ruột, cụ thể là một số bệnh như: Viêm dạ dày, viêm ruột, lồng ruột… Bên cạnh đó, trẻ có thể kèm theo những biểu hiện khác như đau quặn bụng, sốt, phát ban …khiến cho trẻ quấy khóc thường xuyên.
Tình trạng này thì ba mẹ có thể theo dõi tại nhà, nếu kèm theo những biểu hiện lạ khác thì cần phải nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện để được chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị kịp thời.
4. Đầy bụng, khó tiêu
Trẻ bị đầy bụng, khó tiêu là một nguyên nhân phổ biến khiến cho trẻ bị nôn trớ, tuy nhiên trẻ còn kém theo một số biểu hiện khác như: đi tiểu ít, lười bú, Chướng bụng, sờ bụng thấy cứng, trẻ hay quấy khóc…
5. Ngộ độc thức ăn
Nếu cha mẹ thấy con có biểu hiện nôn trớ liên tục, dồn dập, liên tiếp trong ngày, hãy nghĩ ngay đến tình huống ngộ độc thức ăn. Buồn nôn, nôn là biểu hiện đặc trưng khi bị ngộ độc cấp kèm theo đó là một số biểu hiện như: phát ban, sốt, tiêu chảy, co giật. Lúc này, ba mẹ cần phải đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
2. Trẻ bị nôn trớ cần xử lý như thế nào?
Trẻ bị nôn trớ là tình trạng không hiếm gặp, tuy nhiên với phụ nữ lần đầu làm mẹ thì không cần quá lo lắng. Hãy xử trí theo các bước dưới đây nhé:
- Trước tiên, khi bé bị nôn trớ thì cần lấy khăn sạch để lau miệng và tiếp tục lấy khăn để quàng khăn vào cổ nhằm đề phòng trẻ nôn trớ tiếp. Chú ý, không được bế xốc trẻ lên bởi điều này khiến cho tăng nguy cơ trào dịch ói vào phổi.
- Tránh thái độ bực tức và quát mắng bởi nó sẽ khiến cho trẻ bị mất bình tĩnh, càng nôn trớ và quấy khóc nhiều hơn. Thay vào đó thì mẹ hãy dỗ dành cho bé để quên đi bị nôn trớ, đồng thời vuốt lưng và ngực để làm giảm tình trạng này.
- Để tránh hiện tượng trào ngược thì tốt nhất bạn hãy để trẻ nằm yên, kê cao đầu. Còn với trẻ bị trớ sữa nhiều thì nên cho nằm nghiêng sang một bên để tránh bị hít chất nôn vào phổi. Lưu ý, không nên cho bé uống sữa ngay sau khi bị trớ. Mà hãy thay đồ, rửa mặt, chân tay và súc miệng để tránh mùi khó chịu do chất nôn gây ra.
- Tình trạng trớ nhiều sẽ khiến cho trẻ mất một lượng nước và chất điện giải lớn, bởi vậy mẹ cần chú ý bổ sung bù nước và chất điện giải cho bé. Với những bé còn đang bú mẹ thì hãy cho bé bú tiếp để bổ sung bù lượng nước và các chất điện giải. Với những trẻ lớn thì có thể dùng dung dịch Oresol, nước trái cây hay nước cháo muối cho trẻ ăn.
3. Các biện pháp phòng tránh trẻ nôn trớ
Với những thông tin trên giúp bạn nắm được những thông tin và cách xử trí trẻ bị nôn trớ. Bởi vậy bạn cần phải có biện pháp để chủ động hạn chế tình trạng này:
3.1. Đối với trẻ bú sữa mẹ:
Các mẹ hãy cho bé bú từ từ, không nên để cho trẻ bú quá no. Ngoài ra, chỉ nên cho trẻ nằm sau khi bú mẹ ít nhất 15 phút. Khi cho trẻ bú thì mẹ cần phải bế cao đầu trẻ và chú ý người trẻ để trên một đường thẳng. Mẹ cần phải ôm sát con vào người và dùng tay để đỡ mông. Sau đó, chạm vú vào môi trên của trẻ để trẻ mở miệng sao cho núm vú ở môi dưới của bé.
Chú ý, chỉ nên cho trẻ bú bên trái trước, lúc này lượng sữa trong dạ dày còn ít bởi vậy có thể cho trẻ nằm nghiêng sang phải. Sau đó chuyển tay để trẻ bú bên phải. Việc này sẽ giúp cho sữa dễ dàng được tuần hoàn mà không gây trào ngược dạ dày.
Với trẻ bú xong thì có thể bế trẻ đứng lên và vỗ nhẹ vào phần lưng để trẻ có thể ợ hơi được. Điều đó giúp trẻ giảm lượng hơi nuốt vào dạ dày, và giảm tình trạng bị trớ.
3.2. Đối với trẻ bú bình:
Mẹ cầm bình sữa để nghiêng cho trẻ bú, chú ý để cho sữa ngập cổ bình từ đó có thể tránh nuốt không khí vào dạ dày gây ra tình trạng nôn trớ.
3.3. Với trẻ ăn dặm:
Với những trẻ mới ăn dặm vẫn có thể gặp phải tình trạng trớ, do vậy chú ý không nên ép con ăn quá nhiều bởi điều đó sẽ khiến con sợ hãi khi nhìn thấy thức ăn.
Thay vào đó thì mẹ có thể chia thức ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để đảm bảo đủ lượng thức ăn vào cơ thể mà giảm được tình trạng trẻ em bị trớ. Một bữa ăn của trẻ có thể kéo dài khoảng 30 phút và chỉ nên tập trung cho trẻ ăn. Nếu như ăn quá lâu dễ khiến cho trẻ mệt mỏi và chán ăn, khiến cho trẻ bị khóc và quấy phá.
Nếu như trẻ gặp tình trạng không dung nạp được sữa bò tươi, thì các mẹ có thể thay thế bằng sữa bò dạng sữa chua hoặc sữa đậu nành.
Để hỗ trợ cho hệ tiêu hóa của bé tốt hơn, và giảm tình trạng bị nôn trớ thì các mẹ có thể bổ sung chế phẩm men vi sinh. Điều đó giúp cân bằng hệ vi sinh trong đường tiêu hóa để trẻ khỏe mạnh và dễ dàng đối phó với những vấn đề xảy ra ở hệ tiêu hóa. Trẻ có thể được ăn ngon hơn và tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng.
Những thông tin trên đây nhằm giúp giải đáp về tình trạng trẻ bị nôn trớ, và có biện pháp xử trí kịp thời. Đừng quên theo dõi bài viết tiếp theo để cập nhật kiến thức hữu ích. Chúc bạn sức khỏe!