Bệnh quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan chủ yếu qua đường hô hấp, hay gây thành dịch, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Dưới đây, bài viết xin chia sẻ những thông tin cha mẹ cần biết về bệnh quai bị ở trẻ em.
Tóm tắt nội dung
1. Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh quai bị ở trẻ em
Bệnh quai bị do virut Paramyxovirus gây nên, là bệnh truyền nhiễm chỉ xuất hiện ở người, thường gặp ở những trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt là trẻ 6-10 tuổi. Bệnh thường phát vào mùa đông xuân, khi thời tiết bắt đầu chuyển lạnh; xuất hiện ở những nơi đông người như: nhà trẻ, trường học, ký túc xá, khu tập thể…
Bệnh lây lan chủ yếu qua đường hô hấp do nước bọt bị nhiễm trùng khi người bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi. Bệnh có thể lây cho người tiếp xúc ở một tuần trước đó khi tuyến mang tai chưa sưng và kéo dài 2 tuần sau khi thấy sưng tuyến mang tai, thời gian lây mạnh nhất vào khoảng 2 ngày trước khi viêm tuyến mang tai.
Ở đối tượng mắc bệnh là trẻ em, bệnh có những dấu hiệu cụ thể sau:
- Trước khi bị bệnh, trẻ em có dấu hiệu khó chịu, khó ở trong người. Thường kéo dài 1 đến 2 ngày.
- Sốt khá cao, từ 38 đến 40 độ, kéo dài khoảng 3 đến 4 ngày.
- Mệt mỏi, đau đầu, nhức tai, cảm giác sợ gió và hơi ớn lạnh.
- Bị chảy nước bọt, sưng dần tuyến nước bọt ở khu vực mang tai. Sau đó sưng má (một bên hoặc cả hai bên), đau khi nuốt nước bọt.
2. Cách điều trị bệnh quai bị ở trẻ em như thế nào?
Theo chia sẻ của những bác sĩ chuyên môn, hiện nay bệnh quai bị chưa có thuốc đặc trị. Dưới đây là một số điều cha mẹ cần biết khi điều trị bệnh quai bị cho bé.
Cho trẻ sử dụng thuốc Acetaminophen để giảm đau và hạ sốt. Lưu ý không nên sử dụng Aspirin vì thuốc này không dùng để chữa bệnh quai bị mà còn có thể làm bệnh trầm trọng hơn. Để đảm bảo an toàn, cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Trong thời gian phát bệnh, trẻ thường có triệu chứng sốt. Để hạ thân nhiệt cho trẻ, cha mẹ nên sử dụng khăn ấm để áp vào bên má bị đau. Bạn cũng nên cho trẻ ăn những món dễ nuốt như cháo, súp… đồng thời tránh để trẻ chạm vào vết sung.
Cũng nên cho trẻ uống nhiều nước để hạ nhiệt độ. Để đảm bảo chất dinh dưỡng, nên bổ sung thêm các loại nước chứa chất dinh dưỡng khác như sữa, nước ép hoa quả..để bù lượng nước đã mất trong cơ thể. Bạn cũng có thể sử dụng nước muối sinh lý cho trẻ súc miệng để tránh khô miệng.
Hạn chế cho trẻ nô đùa và chạy nhảy, đặc biệt là với bé trai vì hoạt động mạnh dễ dấn đến biến chứng ở tinh hoàn. Ngoài ra, cũng cần thường xuyên theo dõi biểu hiện của bệnh. Nếu thấy trẻ có những biểu hiện như choáng váng, nôn mửa thì cần cho trẻ đến gặp bác sĩ ngay.
3. Hướng dẫn phòng ngừa bệnh quai bị ở trẻ em
Quai bị là căn bệnh truyền nhiễm phổ biến, có nguy cơ lây lan cao. Vì thế, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý để phòng bệnh quai bị cho trẻ.
*** Xem thêm: Bệnh quai bị ở nữ có nguy hiểm không? Quai bị có gây vô sinh ở nữ không?
Để phòng bệnh quai bị ở trẻ nhỏ, người bệnh cần phải được cách ly tại nhà, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, khi tiếp xúc cần sử dụng khẩu trang.Thời gian cách ly người bệnh trong khoảng 10 ngày kể từ khi bắt đầu sung tuyến mang tai.
Tại trường học, khi phát hiện trẻ mắc bệnh quai bị thì cần cho nghỉ học hay để tránh lây lan sang những học sinh khác. Bên cạnh đó, cần kết hợp tăng cường sức khỏe bằng cách ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý.
Ngày nay bệnh quai bị thường được tiêm phòng để tạo miễn dịch chủ động như dùng vắcxin Trimovax hay MMR. Vắcxin không nên tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi, tuy nhiên nếu trẻ sống trong môi trường dịch bệnh, có thể tiêm ngừa từ 9 tháng tuổi; không tiêm phụ nữ có thai, người bị dị ứng với vắcxin, người đang dùng thuốc gây giảm miễn dịch như corticoid, thuốc điều trị ung thư, người đang điều trị với tia phóng xạ…
Trên đây là một số thông tin cha mẹ cần nắm được về bệnh quai bị ở trê em. Bài viết hi vọng đã đem đến chia sẻ hữu ích, giúp bạn phòng và điều trị bệnh quai bị cho bé an toàn và hiệu quả.